Đến tham dự Hội nghị về phía Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh có Thạc sĩ. BSCKII. Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ; Ban lãnh đạo chi cục, lãnh đạo và chuyên viên các phòng chuyên môn; Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng ban Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh; Đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách Chương trình của Phòng Dân số-TTGDSK thuộc Trung tâm Y tế của các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc và thị xã Hương Trà cùng các cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ của 24 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Tại Hội nghị đồng chí Phan Đăng Tâm đã cung cấp những kiến thức, kỹ năng quản lý dân số và truyền đạt những nội dung cơ bản về kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào thiểu và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 2415/QĐ-BYT ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Dự án - Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Kế hoạch 257/KH-CCDS ngày 04 tháng 10 năm 2022 của Chi cục DS-KHHGĐ về việc Triển khai thực hiện nội dung 2 “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 7 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế. Đồng chí cũng cho biết: Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Đời sống vật chất của NCT Việt Nam còn nhiều khó khăn. 72,3% số NCT sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng NCT sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao. Sức khỏe của NCT còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (gần 74 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao. Khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình 1 NCT Việt Nam mắc 3 bệnh, trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT.
Thừa Thiên Huế thuộc 33 tỉnh thành phố có mức sinh cao trên mức sinh thay thế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng như tình hình chung cả nước dân số cũng đang vào giai đoạn già hoá dân số. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có 153.049 NCT từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số; có 105.167 NCT từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số; có 31.912 NCT từ 80 tuổi trở lên. Đến tháng 10/2022: Có 176.585 NCT, chiếm 14,7% dân số toàn tỉnh. Tình trạng già hóa dân số đã đưa vấn đề chăm sóc người cao tuổi trở thành đáng quan tâm, đặc biệt những người cao tuổi ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó việc chăm sóc sức khoẻ NCT tại địa phương cũng gặp một số khó khăn như công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại cơ sở chủ yếu vẫn do ngành y tế đảm nhận, thiếu sự liên kết giữa các ban ngành, đoàn thể địa phương. Công tác tuyên truyền ở cơ sở của đội ngũ cộng tác viên y tế, dân số, cán bộ Hội NCT cấp xã còn nhiều hạn chế. Các Câu lạc bộ chỉ mới dừng lại ở mức độ sinh hoạt tại cộng đồng, chưa thực hiện được công tác tư vấn trực tiếp đến các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình có NCT sinh sống. Nguồn kinh phí còn hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai và mở rộng các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT ở các cấp. Tỷ lệ xuất cư nhóm trẻ cao tại tỉnh cũng ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình và vấn đề hỗ trợ vật chất, chăm sóc sức khoẻ và tinh thần cho NCT. Đặc biệt năm 2020 và 2021, dịch Covid đã tác động rất lớn đến đến công tác khám và cấp phát thuốc định kỳ cho NCT, đặc biệt là người cao tuổi do có nhiều bệnh nền.
Một số hình ảnh các đại biểu tham luận tại Hội nghị:
Tại buổi hội thảo, các đại biểu về tham dự cũng đã tích cực thảo luận và tham gia thêm một số ý kiến, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thực tiễn, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động cung cấp thông tin về đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hoá dân số thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.