Tìm kiếm

Mạnh dạn, sáng tạo trong chăm lo sức khỏe người dân ngay từ đầu
Ngày cập nhật 09/04/2017

Tới thăm Trạm y tế xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 30/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Thừa Thiên Huế mạnh dạn, sáng tạo hơn nữa trong triển khai, vận hành hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và các hợp phần đi kèm nhằm quản lý sức khỏe của từng người dân trên địa bàn.

.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với người dân đến khám bệnh tại trạm y tế xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VGP/Đình Nam

Với hệ thống y tế cơ sở tốt, đã áp dụng công nghệ thông tin từ 10 năm trước nên việc quản lý công tác khám, chữa bệnh cho người dân tại các trạm y tế cơ sở ở Thừa Thiên Huế có rất nhiều thuận lợi. Ngay tại trạm y tế xã Phú Thanh, với khoảng 4.000 dân thì số lượt khám, chữa bệnh hàng năm vào khoảng 3.200 lượt/năm và có khoảng 50% người dân đến khám tại đây. Hiện trạm đang sử dụng 5 phần mềm cho công tác khám chữa bệnh và các chương trình khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các chương trình y tế quốc gia.

Người dân tin tưởng, triển khai sẽ thuận lợi

Trao đổi với các y, bác sĩ tại trạm Phó Thủ tướng cho rằng nhìn chung các trạm y tế ở Thừa Thiên-Huế có tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với cả nước.

“Anh em ở đây rất sáng tạo, không chỉ đưa công nghệ thông tin vào mà có rất nhiều mô hình, các sáng kiến phù hợp với yêu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh của bà con, trên tinh thần vì người dân”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra  đối với Phú Thanh, cũng như nhiều trạm y tế ở Thừa Thiên Huế, là trong số 50% người dân tại xã chưa bao giờ đi khám, sau khi trừ đi số người đi khám ở tuyến trên thì có tỷ lệ không nhỏ những người dân chưa bao giờ đi khám nếu không thấy có bệnh. Và phần mềm quản lý khám, chữa bệnh hiện nay tại các trạm y tế cơ sở ở Thừa Thiên Huế cũng mới chỉ thống kê được số người đến khám, chữa bệnh mà chưa nắm được tình trạng sức khỏe của từng người dân trong xã.

“Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa nhưng nhiều người không bao giờ đi khám nếu không thấy có bệnh, còn khi đi khám thì bệnh đã nặng, điều trị rất tốn kém thậm chí không chữa được”, Phó Thủ tướng nói.

Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên Huế triển khai nhanh hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia với các hợp phần quản lý sức khỏe cá nhân kèm theo trên cơ sở những kinh nghiệm từ việc ứng dụng công nghẹ thông tin để theo dõi, cập nhật số liệu khám, chữa bệnh suốt 10 năm qua.

Phó Thủ tướng xem nhân viên y tế trạm thao tác trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng cho rằng ngay ở trạm y tế xã Phú Thanh, trạm trưởng đã có trình độ bác sĩ chuyên khoa I, được trang bị cả máy siêu âm, điện tim… được người dân tin tưởng thì rất thuận lợi khi triển khai khám, thực hiện quản lý sức khỏe cho từng người dân trên địa bàn.

“Những bác sĩ, cán bộ ở trạm y tế xã thường là những người rất gắn bó với địa phương, nắm sát dân, biết hoàn cảnh sinh sống, điều kiện sinh hoạt của người dân. Làm được điều này thì chúng ta sẽ tiến tới thực hiện đúng chức năng của trạm y tế cơ sở theo mô hình y học gia đình, tức là nơi quản lý sức khỏe cho tất cả mọi người dân trên địa bàn”.

Không để trạm y tế xã bị “bó tay, bó chân”

Về cơ chế để trạm y tế xã không bị “bó tay, bó chân” trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh chủ động phát huy sáng kiến, sáng tạo, mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tháo gỡ các vướng mắc hiện nay trên tinh thần khuyến khích cái mới.

Phó Thủ tướng phân tích: Một xã có 4.000 dân như Phú Thanh, một năm thu về khoảng 3 tỷ đồng tiền BHYT nhưng trạm y tế chỉ nhận được 25 triệu đồng tiền chi thường xuyên nên ngay từ tủ thuốc cũng thiếu nhiều. Hay thực tế đội ngũ bác sĩ ở trạm có trình độ và hoàn toàn có thể thực hiện được một số dịch vụ, kỹ thuật y tế ở tuyến trên nhưng vướng quy định nên không được BHYT thanh toán, còn người dân buộc phải lên bệnh viện tuyến trên.

Những bất cập này cần phải được tháo gỡ để người dân đến với trạm nhiều hơn, được khám, chữa bệnh tốt hơn mà không phải lên tuyến trên, vừa tốn kém, vừa gây quá tải. Quan trọng nhất là tạo tin tưởng để những người chưa bao giờ đi khám chủ động đến trạm y tế để được xác định tình trạng sức khỏe của bản thân, nguy cơ bệnh tật, và nếu phát hiện bệnh từ sớm thì được tư vấn điều trị.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 30/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải mạnh dạn tháo gỡ những vướng mắc đang làm khó trạm y tế trong thực hiện chăm sức khỏe cho người dân. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

“Chúng ta cần phải xác định lại vị trí của y tế cơ sở, coi đây là “cánh tay nối dài” của trung tâm y tế huyện, và tùy vào năng lực từng trạm để mở ra khả năng thanh toán BHYT thay vì áp dụng quy định cứng. Cùng với đó, phải mạnh dạn xem lại những công việc, nhiệm vụ giao cho y tế cơ sở đã đủ chưa, từ dân số, dự phòng, tiêm chủng, chống dịch đến chăm sóc sức khỏe ban đầu”.

Từ thực tế các trạm y tế ở Thừa Thiên Huế được xây dựng tương đối khang trang, bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt, Phó Thủ tướng gợi ý ở nơi nào có nhu cầu, có bác sĩ giỏi ở bên ngoài thì trạm y tế xã có thể mời đến tham gia làm việc, thậm chí có phòng khám riêng ở ngay tại trạm.

“Càng nhiều bác sĩ giỏi về trạm y tế thì uy tín của trạm càng tốt và người dân càng tín nhiệm. Tôi đề nghị tỉnh chủ động cho anh em làm”, Phó Thủ tướng nói.

Về một số việc cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo ngành bảo hiểm đẩy nhanh việc chuyển, chia sẻ thông tin dữ liệu cơ bản về người tham gia BHYT cho ngành y tế để phục vụ công tác khám, quản lý sức khỏe người dân tại các trạm y tế cơ sở. Tất cả các bệnh viện trên địa bàn đều phải thực hiện cập nhật thông tin khám, chữa bệnh của người dân để không còn tình trạng người dân đi khám mỗi lần một sổ y bạ.

“Tôi mong rằng Thừa Thiên Huế triển khai nhanh việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân trên địa bàn để các tỉnh khác thấy rằng thực hiện không nhiêu khê, phức tạp nhưng lợi ích đem lại rất lớn. Đây sẽ là sự thay đổi rất căn bản đối với y tế cơ sở”, Phó Thủ tướng nói.

Đình Nam

Nguồn: http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Manh-dan-sang-tao-trong-cham-lo-suc-khoe-nguoi-dan-ngay-tu-dau/302016.vgp

Sưu tầm tin (Nguồn: http://baochinhphu.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Tin xem nhiều
Ngày 10/11, Đoàn kiểm tra Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại tá Lê Huy Nghĩa – UVTV ĐUQS, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng làm...
Từ ngày 02/11 đến 15/11/2024,  Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự thị xã Hương Trà tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công...
Chiều ngày 01/11/2024, tại Hội trường UBND phường Hương Văn, BCĐ VSATTP phường Hương văn phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà đã tiến hành tổ...
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.017.362
Truy cập hiện tại 113
Liên kết Website
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện Huong Tra

Chung nhan Tin Nhiem Mang