Tìm kiếm

CÁC BỆNH LÂY TỪ GIA SÚC GIA CẦM SANG NGƯỜI – CÁCH PHÒNG BỆNH!
Ngày cập nhật 16/04/2013
Gia súc, gia cầm là người bạn thân thiết của con người, tuy nhiên chúng cũng lại mắc một số bệnh nguy hiểm có thể lây sang người. Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế (2013), các bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, và hiện chiếm khoảng 60% các bệnh ở người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (2013), đã có hơn 200 bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật được mô tả, gây quan ngại ngày càng tăng. Việt Nam là một trong những nước được coi là "điểm nóng" về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật.

 Sau đây là một số bệnh hay gặp:

Sán bò, sán lợn

Đây là loại sán dây dài, có nhiều đốt. Lợn, bò ăn phải trứng sán lẫn trong rau, cỏ, thức ăn lẫn đất. Trứng sán vào ruột phát triển thành ấu trùng, cư trú ở các cơ bắp thịt. Khi vào cơ thể người, ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành, cư trú ở ruột non. Chúng đẻ trứng ở các đốt cuối; các đốt này rụng theo phân ra ngoài (đốt sán bò có thể cử động bò ra quần), gieo rắc mầm bệnh khắp nơi. Người ăn phải trứng sán lợn thì lại thành bệnh gạo người (có nang ấu trùng sán trong cơ).

Bệnh sán chó

Đốt sán già tự bò ra ngoài hậu môn hoặc theo phân ra ngoài. Từng 2-3 đốt trứng sán phát tán trong đất, bụi. Chó, mèo, bọ chó nuốt phải trứng sán, người vuốt ve tiếp xúc với chó đưa tay cầm thức ăn. Trứng sán vào ruột người, sẽ phát triển thành sán trưởng thành.

Sán lá phổi

Ấu trùng sán lá phổi ký sinh ở cua đồng, cua núi đá. Người ăn gỏi cua có thể nhiễm. Chó, lợn, mèo ăn phải cua này cũng mắc bệnh và gieo rắc mầm bệnh vào môi trường sống. Ấu trùng sán lá phổi lẫn vào rau, cỏ, hoa quả, người có thể ăn phải và bị bệnh. Biểu hiện của bệnh là ho ra máu dai dẳng, dễ nhầm bị mắc lao.

Bệnh thương hàn và các bệnh tiêu chảy

Vi khuẩn gây bệnh là Salmonella, có thể tìm thấy ở phân chó, mèo, người tiếp xúc với chó, mèo, lây qua tay sang thức ăn đưa vào ruột gây bệnh thương hàn. Người ăn phải thịt, tiết canh có vi khuẩn tụ cầu, liên cầu gây ra tiêu chảy, ngộ độc, bệnh nặng có thể đưa đến tử vong.

Cúm gia cầm

Bệnh cúm gia cầm A/H5N1, thường được gọi là “cúm gà”. Bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh. Bệnh phát triển ở các đàn gia cầm, gà, vịt, ngan, chim rồi lây sang người do người tiếp xúc với các chất thải, lông, thịt của các gia cầm bị bệnh. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, rét run, mạch nhanh, đau các cơ, đau đầu, ho có đờm. Bệnh nặng dễ gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Bệnh lao

Bò mắc bệnh lao, người chăn nuôi bò có thể bị lây trực tiếp qua đường hô hấp thành lao phổi, uống phải sữa tươi có vi khuẩn lao sẽ mắc lao ruột, cho nên các con bò nuôi lấy sữa phải được khám bệnh định kỳ, sữa bò phải được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bệnh dại

Là bệnh của chó, mèo, bò, ngựa và súc vật hoang dã. Virut dại thuộc họ Rhabdovirus tập trung ở tuyến nước bọt của súc vật cắn người rồi lây bệnh dại cho người. Sau một thời gian ủ bệnh thì có các biểu hiện như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, co thắt hầu họng gây ngạt thở, đến khi lên cơn thì phần lớn tử vong. Nếu nghi ngờ chó dại cắn thì phải đi khám bệnh để bác sĩ chỉ định thuốc huyết thanh kháng dại.

Bệnh lở mồm, long móng

Người có thể bị lây bệnh nếu tiếp xúc với con vật ốm hoặc ăn phải thịt lợn, bò đang bị bệnh lở mồm, long móng. Bệnh ít gây tử vong.

Bệnh Toxoplasma

Bệnh do ký sinh trùng Toxoplamas gondii. Theo các chuyên gia, một con mèo có thể bài tiết 100 triệu ký sinh trùng/ ngày. Người mắc phải là do sờ vào lông mèo các noãn bào qua tay, dính vào thức ăn, đưa vào ruột, noãn bào tiến hóa thành thoa trùng. Thoa trùng Toxoplasma có thể tạo thành các ổ kén ở các hạch, võng mạc mắt, trong cơ tim, viêm phổi kẽ, kén ở hệ thần kinh trung ương. Phụ nữ mang thai có thể truyền qua nhau thai sang thai nhi.

Bệnh móng mèo

Là bệnh viêm hạch lành tính do mèo cào. Virut gây bệnh qua vết xước rồi hạch nổi toàn thân, hạch nhỏ đau. Xét nghiệm máu tăng bạch cầu đơn nhân và limpho. Sau 2-3 tuần sẽ khỏi.

Chó, mèo, chim cảnh còn là nguồn gây các bệnh dị ứng do bụi từ lông của chúng, nhất là bệnh hen. Chó mèo bị bệnh hắc lào do nấm Tinea ciroinata, lây sang người do tiếp xúc. Những bệnh thường gặp ở trên là do các loại gia súc, gia cầm lây sang người rất hay gặp và nguy hiểm.

Vậy người làm nghề chăn nuôi, nghề liên quan đến giết mổ gia súc, nghề làm da, nuôi vật nuôi trong gia đình cần biết để dự phòng.

Dự phòng

Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên. 

Đối với vật nuôi trong nhà, cách tốt nhất là tránh để vật nuôi tiếp xúc với những nơi sinh hoạt thường xuyên của con người trong nhà, chẳng hạn như: bếp ăn, phòng ngủ,rửa sạch tay, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi, cầm nắm thức ăn của chúng hoặc sau khi cọ rửa chuồng thú nuôi. Khi cọ rửa hoặc dọn chất thải của vật nuôi, nên mang găng kỹ càng, hạn chế hôn hít vật nuôi cũng như ăn cùng chúng, không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn, không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc, nên tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi trong nhà.

Ts.Bs. Nguyễn Đức Hoàng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin xem nhiều
Ngày 10/11, Đoàn kiểm tra Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại tá Lê Huy Nghĩa – UVTV ĐUQS, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng làm...
Từ ngày 02/11 đến 15/11/2024,  Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự thị xã Hương Trà tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công...
Chiều ngày 01/11/2024, tại Hội trường UBND phường Hương Văn, BCĐ VSATTP phường Hương văn phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà đã tiến hành tổ...
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.011.560
Truy cập hiện tại 294
Liên kết Website
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện Huong Tra

Chung nhan Tin Nhiem Mang