Đặc điểm đơn bào, đơn bào chân giả thường gọi amíp
Ngành động vật đơn bào (protozoa) có khoảng 25.000 loài, phần lớn sống tự do ở ngoại cảnh tại những nơi có nước và đất ẩm. Một số loài sống trong máu và trong các tổ chức mô lỏng của động vật và thực vật. Đơn bào là những sinh vật có cấu trúc cơ thể chỉ là một tế bào nhưng có đầy đủ chức năng của một cá thể sống độc lập như dinh dưỡng, chuyển hóa, sinh sản, chuyển động, đáp ứng với các kích thích... Sự khác biệt giữa sinh vật đơn bào và tế bào động vật cấp cao là tế bào động vật cấp cao chỉ đảm nhận một vài chức năng nhất định như tế bào hồng cầu chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển oxygen và carbonic...
Nhiều đơn bào thuộc lớp chân giả (rhizopoda) sống ký sinh và hội sinh ở người, động vật với những đặc điểm như thân là một tế bào, bao quanh bởi một màng rất mỏng, kính hiển vi quang học thường không thể nhìn thấy được, bào tương có hai lớp gồm lớp bào tương trong và lớp bào tương ngoài; có một hay nhiều nhân ở lớp bào tương trong, không có không bào co bóp. Đơn bào có thể chuyển động, vơ nuốt các loại thức ăn bằng chân giả. Phần lớn các đơn bào thuộc lớp chân giả hình thành bào nang vừa để tự vệ, vừa để sinh sản duy trì nòi giống.
Thông thường những sinh vật đơn bào thuộc lớp chân giả được gọi là amíp cho thuận tiện mặc dù có một số sinh vật đơn bào chân giả không phải là loại amíp thực sự với những đặc điểm riêng biệt.
Đơn bào thuộc lớp chân giả sống ký sinh trong cơ thể người gồm những loại amíp như Entamoeba hystotytica gây nên bệnh lỵ amíp; Entamoeba coli sống hội sinh ở đại tràng của người, không chuyển thành thể ký sinh gây bệnh; Entamoeba hartmanni cũng sống hội sinh ở manh tràng của người và không gây bệnh; Entamoeba gingivalis sống ở trong miệng, thường gặp ở những người bị viêm lợi; Endolimax nana sống hội sinh ở manh tràng, không gây bệnh cho người; Iodamoeba butschlii (Pseudolimax butschlii) cũng sống hội sinh ở ruột non và đại tràng, không gây bệnh cho người; Dientamoeba flagilis sống ở manh tràng của người, ăn vi khuẩn, nấm, các mảnh thức ăn thừa, chưa phát hiện được trong mô nên các nhà khoa học cho rằng amíp này không gây bệnh...
Đơn bào thuộc lớp chân giả ngoài thiên nhiên gồm có nhiều loại amíp sống tự do ở nước và đất ẩm, trong đó có một số loài bất thường có khả năng xâm ngập vào cơ thể người để ký sinh gây bệnh như Hartmanella castellanii, Hartmanella culbertsoni, Acanthamoeba astronyxis, Naegleria fowleri... Đơn bào chân giả Naegleria fowleri là loại amíp sống tự do ở trong nước bất thường ký sinh ở người chính là thủ phạm được xác định là “amíp ăn não người” phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam đã làm cho một bệnh nhân tử vong vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Amíp Naegleria fowleri (ảnh internet minh họa)
Các amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh
Trong thiên nhiên có tới hàng trăm loại amíp sống tự do ở đất, nước ngọt và cả nước mặn. Trước đây, các nhà khoa học và y học xem những loại amíp tự do sống trong thiên nhiên không gây bệnh cho người và động vật. Tuy vậy vào năm 1958-1959, nhà khoa học Culbertson và cộng sự lần đầu tiên đã chứng minh loài amíp tự do thuộc chi Acanthamoeba có khả năng gây viêm não-màng não cấp tính trên động vật thực nghiệm. Đến năm 1964, lần đầu tiên nhà khoa học Butt mô tả hai bệnh nhân viêm não-màng não bị tử vong do nhiễm amíp tự do bất thường ký sinh. Tiếp theo đó có nhiều thông báo rải rác khắp nơi trên thế giới về những bệnh nhân bị tử vong do nhiễm amíp tự do. Đến năm 1972, nhà khoa học R.C. Carter đã thông báo có 69 người tử vong do nhiễm amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh; trong đó có 57 trường hợp ở Úc, Mỹ, Tiệp Khắc, Tân Tây Lan, Anh, Bỉ và 12 trường hợp ở các nước khác.
Hiện nay, các nhà khoa học đã phân lập được 3 chi amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh là:
- Chi Hartmanella: trong chi này có loài Hartmanella castellanii, Hartmanella culbertsoni.
- Chi Acanthamoeba: trong chi này có loài Acanthamoeba astronyxis.
- Chi Naegleria: trong chi này có loài Naegleria fowleri.
Amíp Hartmanella castellanii và amíp Acanthamoeba (ảnh internet minh họa)
Đặc điểm các loại amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh
Về hình thể: Hartmanella có thể kén hình cầu, vỏ nhẵn; thể hoạt động di chuyển chậm, chân giả ngắn; trong nhân có trung thể lớn. Acanthamoeba có thể kén hình góc cạnh, thể hoạt động di chuyển phóng chân giả dài không đều. Naegleria có thể kén hình cầu với hai lớp vỏ, vỏ trong dày, vỏ ngoài mỏng; thể hoạt động phóng chân giả từ từ, chân giả hình bán cầu; đôi khi amíp biến dạng thành roi, thông thường có 2 roi nhưng có khi có 3 roi tùy theo môi trường sống.
Về sinh học: Amíp tự do thường sống ở những nơi có nước như ao, hồ, sông ngòi... Bản chất là loại amíp sống trong thiên nhiên nên chúng có khả năng sống thích nghi tốt ở điều kiện ngoại cảnh. Chúng sống được trong phạm vi nhiệt độ từ 0oC đến 40oC ở môi trường có độ mặn khác nhau, cũng có thể sống được ở điều kiện yếm khí hoặc có nhiều oxygen, carbonic, sulfure, amoniac. Amíp tự do ăn các loại vi khuẩn, những chất hữu cơ thối rữa. Thể kén của amíp tự do được tạo ra ở ngoại cảnh và điều kiện ẩm ướt. Với sự có mặt của vi khuẩn, amíp cũng dễ dàng hình thành và xuất thể kén ở ngoại cảnh. Các loại amíp này vốn sống tự do ở ngoại cảnh nhưng có một số trường hợp bất thường có thể xâm nhập vào cơ thể người hoặc các loại động vật khác để ký sinh gây bệnh.
Bệnh lý do nhiễm amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh
Bệnh do amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh đã được phát hiện và thông báo ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam vào năm 1974, các nhà khoa học đã phát hiện một bệnh nhân bị viêm não-màng não có các triệu chứng lâm sàng diễn biến nhanh, đột ngột và gây nên tử vong; kết quả xét nghiệm huyết thanh miễn dịch cho kết quả dương tính với kháng nguyên của amíp Hartmanella. Cuối tháng 8 năm 2012 vừa qua, một trường hợp bệnh nhân ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cũng bị tử vong nhanh sau 3 ngày điều trị do viêm não-màng não vì nhiễm loại amíp Naegleria fowleri lần đầu tiên được phát hiện, xác định bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR (Polymerase Chain Reaction) đã được Bộ Y tế chính thức công bố. Đây là một loại bệnh ký sinh trùng rất hiếm gặp tại nước ta nhưng không phải là không có nếu không nuốn nói rằng bị lãng quên theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vì vậy cần tìm hiểu thêm về bệnh lý lâm sàng của chúng để giúp cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh; đồng thời có các biện pháp phòng ngừa.
Mũi, họng là đường xâm nhập của amíp Naegleria fowleri và não-màng não là cơ quan bị
tổn thương (ảnh internet minh họa)
Theo y văn thế giới, cả 3 chi của loại amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh đã nói ở trên đều có thể gây bệnh cho con người nhưng phổ biến nhất là những loại amíp thuộc chiAcanthamoeba và Naegleria, đặc biệt là loài Naegleria fowleri. Các loại amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh cho người thường có triệu chứng bệnh lý của viêm não-màng não. Bệnh mắc phải không phải do nhiễm theo đường tiêu hóa hoặc lây lan trực tiếp từ người sang người mà chủ yếu do tắm và bơi bội ở các bể tắm mất vệ sinh, ao, hồ, sông ngòi... bị nhiễm bẩn. Ngoài ra cũng có thể bị nhiễm do hít phải amíp thể hoạt động hoặc thể kén trong không khí qua đường mũi, họng. Chất nhầy ở môi trường mũi, họng là môi trường thuận lợi cho amíp cư trú. Từ mũi, họng, amíp xâm nhập đi lên hành não rồi xuyên qua nền sọ vào màng não, lan tỏa vào não, ăn các tế bào não làm hủy hoại thành những túi hoại tử.
Bệnh do loại amíp Hartmanella gây nên thường mạn tính. Bệnh do loại amíp Naegleria gây nên thường cấp tính. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 đến 5 ngày, trong giai đoạn này thường có triệu chứng nhẹ của viêm đường hô hấp trên nên bệnh nhân ít khi chú ý đến. Sau đó, bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao từ 39oC đến 40oC; bị đau họng, ngạt mũi, nhức đầu dữ dội. Triệu chứng bệnh lý tiến triển nhanh sau từ 2 đến 3 ngày rồi xuất hiện dấu hiệu viêm màng não và viêm não. Bệnh nhân trở nên lú lẫn, mất ý thức rồi đi vào hôn mê, co giật và liệt. Hậu quả của biến chứng là người bệnh tử vong trong vòng từ 4 đến 7 ngày sau đó.
Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh
Như đã nêu ở trên, triệu chứng bệnh lý trên lâm sàng khi bị nhiễm các amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh cho người diễn biến khá nhanh, có thể nhầm lẫn với bệnh lý viêm não-màng não do nhiễm các loại vi khuẩn hoặc vi nấm khác. Vì vậy cần khai thác yếu tố dịch tễ có nguy cơ nhiễm bệnh một cách thận trọng, đồng thời nhất thiết phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để giúp cho việc chẩn đoán xác định rõ ràng. Chẩn đoán cận lâm sàng thường được thực hiện là xét nghiệm dịch não tủy để tìm amíp, nếu bệnh nhân tử vong có thể phẫu thuật tử thi tìm amíp ở mô tế bào não để chẩn đoán hồi cứu. Cũng có thể thực hiện việc nuôi cấy amíp từ bệnh phẩm dịch não tủy trong môi trường thích hợp như môi trường Willaert cho kết quả tốt. Ngoài ra, có thể thực hiện gây nhiễm bệnh cho chuột nhắt bằng cách tiêm dịch não tủy của người bệnh vào não chuột hoặc nhỏ bệnh phẩm vào mũi chuột; thường sau từ 4 đến 7 ngày chuột sẽ chết, mổ não chuột để tìm amíp. Chẩn đoán huyết thanh cũng là kỹ thuật cận lâm sàng được thực hiện nhưng ít có giá trị vì hiệu giá kháng thể thấp.
Trong điều trị, thực tế cho thấy những loại thuốc đặc hiệu đối với đơn bào và amíp như emetin, metronidazol... và các loại kháng sinh thông thường không có tác dụng điều trị các loại amíp tự do bất thường ký sinh gây bệnh. Tuy vậy, trên động vật thực nghiệm đã ghi nhận loại thuốc sulfadiazin và amphotericin B có tác dụng diệt các amíp tự do; đặc biệt đối với loại amíp Naegleria fowleri như loại amíp mà bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh và tử vong vào cuối tháng 8 năm 2012 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tắm, bơi lội ở ao, hồ bị nhiễm bẩn có nguy cơ bị “amíp ăn não người” xâm nhập
(ảnh internet minh họa)
Cách phòng bệnh tốt nhất là chỉ nên tắm, bơi lặn ở những nơi nước sạch và sử dụng dụng cụ kẹp mũi bảo vệ khi tắm và bơi lặn trong các ao, hồ, sông ngòi, bể bơi bị nhiễm bẩn, có nguy cơ hiện diện mầm bệnh. Mặc dù đây là loại bệnh ký sinh trùng hiếm gặp nhưng người có thể bị nhiễm các loại amíp tự do, đặc biệt là loài Naegleria fowleri khi tắm, bơi lặn ở ao, hồ, sông ngòi, thậm chí tại các bể bơi không được làm vệ sinh tốt; đặc biệt là khi dùng chân khuấy đảo các chất dưới đáy hồ, ao, bể bơi lên. Nếu chẳng may để nước xộc lên mũi sẽ là cơ hội để các loại amíp tự do bất thường ký sinh xâm nhập vào cơ thể con người để gây bệnh. Đây là bệnh hiếm gặp nhưng diễn biến lâm sàng xảy ra cấp tính, đột ngột, tiến triển khá nhanh và chiếm tỷ lệ tử vong cao nên cộng đồng người dân cần chú ý để chủ động phòng ngừa.