Tìm kiếm

Phình động mạch chủ bụng: Khó phát hiện nhưng dễ phòng ngừa
Ngày cập nhật 28/03/2013

Động mạch chủ bụng là mạch máu lớn, từ tim chạy dọc theo gần cột sống, xuống gần bụng dưới thì phân thành hai nhánh xuống chân, cung cấp máu cho phần bụng, vùng chậu và 2 chân. Phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch chủ bụng bị giãn không hồi phục, phình lên như một trái bóng hoặc cái túi. Bình thường, động mạch chủ bụng có đường kính khoảng 2cm, khi phình động mạch, đường kính của nó lên trên 3cm hoặc hơn.

 Ai dễ mắc bệnh?

Cấu tạo động mạch chủ có 3 lớp: áo trong hay nội mạc, áo giữa và áo ngoài. Nhờ cấu tạo đặc biệt của lớp giữa: chủ yếu là sợi chun và sợi keo nên động mạch chủ bụng có tính đàn hồi và bền vững cao, không bị giãn ra dưới áp lực máu bơm từ tim ra. Nếu thoái hóa, tổn thương cấu trúc của thành động mạch, sẽ làm yếu thành động mạch chủ, mất tính đàn hồi, giảm sức bền và xảy ra phình động mạch chủ.
Khó phát hiện nhưng dễ phòng ngừa 1

Một số kiểu tổn thương trong phình động mạch chủ bụng.

Những đối tượng sau đây dễ bị phình động mạch chủ: nam trên 50 tuổi; bệnh nhân bị tăng huyết áp lâu năm; vữa xơ động mạch; tăng cholesterol; béo phì; bệnh khí phế thũng; rối loạn bẩm sinh (hội chứng Ehlers - Danlos, hội chứng Marfan); nhiễm khuẩn nhất là bệnh giang mai; chấn thương; có bố mẹ mắc bệnh; người nghiện hút thuốc lá; hoại tử thành động mạch do thuốc; loạn sản tổ chức xơ; thoái hóa thành động mạch liên quan đến thai nghén; phình động mạch sau hẹp động mạch; sau chấn thương và vết thương; sau phẫu thuật nối thông mạch máu, sau phẫu thuật ghép đoạn động mạch...

Cảnh giác phát hiện bệnh 

Thông thường, bệnh nhân bị phình động mạch sẽ phát triển dần trong nhiều năm và không gây ra triệu chứng rõ rệt. Bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh. Một số bệnh nhân có thể sờ thấy một khối u, thường ở trên rốn, nảy theo nhịp đập của tim. Nhưng ở bệnh nhân béo phì hoặc có túi phình chưa lớn lắm, triệu chứng này không dễ phát hiện, nên bệnh nhân thường bỏ qua. Khi xuất hiện những cơn đau bụng mới hay đau tăng lên, xuất hiện đột ngột, có thể báo trước sự giãn thêm hoặc đe dọa vỡ phình. Cơn đau bụng do phình động mạch có đặc điểm là đau liên miên không dứt, dữ dội và khu trú ở sau lưng hay phần bụng dưới, một số người có cảm giác đau lan xuống vùng bẹn, ra vùng hông, hay xuống chân. Nếu khối phình mạch lớn có thể gây chèn ép vào các cơ quan lân cận như: chèn vào tá tràng gây hẹp môn vị, chèn vào niệu quản trái gây cơn đau quặn thận và ứ nước thận trái gây nhiễm khuẩn đường tiểu với các triệu chứng sốt, rối loạn tiểu tiện... Phình động mạch chủ bụng thường được chẩn đoán bằng các xét nghiệm: siêu âm bụng, siêu âm Doppler mạch máu động mạch chủ bụng, chụp CTscan bụng, chụp cộng hưởng từ, chụp cản quang số xóa nền mạch máu.
Khó phát hiện nhưng dễ phòng ngừa 2
Hình ảnh phình động mạch chủ bụng trên phim chụp cản quang số xóa nền mạch máu.

Biến chứng nguy hiểm

Phình động mạch chủ bụng có thể gây một số biến chứng nguy hiểm sau: rối loạn tưới máu khu vực và làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, hậu quả là huyết khối này di chuyển theo dòng máu sẽ gây tắc mạch, tổn thương các cơ quan như tắc mạch chi, đột quỵ do tắc mạch não, nhồi máu cơ tim do tắc mạch vành.

Do vách của túi phình yếu hơn chỗ khác nên có thể vỡ túi phình bất cứ lúc nào, đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Các triệu chứng vỡ túi phình gồm: đau bụng đột ngột và ngất xỉu là dấu hiệu cho thấy túi phình động mạch đã vỡ. Bệnh nhân trong trạng thái lo âu, buồn nôn và nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, thành bụng gồng cứng, nôn máu ồ ạt do vỡ vào tá tràng... Do ở gần tim và có kích thước lớn nên khi túi phình vỡ, máu sẽ thoát ra ngoài ồ ạt, gây tình trạng mất máu trầm trọng, có thể trụy tim mạch và tử vong nhanh chóng.

Điều trị và phòng bệnh

Điều trị phình động mạch chủ bụng chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật. Song, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thường kém do tuổi cao sức yếu, kèm theo các bệnh lý tim mạch và các bệnh nội khoa mạn tính khác, dinh dưỡng kém... Ca phẫu thuật thường rất nặng nề, mất máu nhiều, đường mổ kéo dài... nên nguy cơ của ca mổ rất lớn. Sau mổ, bệnh nhân dễ có biến chứng và chậm hồi phục. Do đó, các trường hợp túi phình dọa vỡ phải mổ cấp cứu, tỷ lệ thất bại trong và sau mổ còn rất cao. Mặt khác, sau khi phẫu thuật để điều trị, quá trình thoái hóa mạch máu ở bệnh nhân vẫn tiếp diễn, khiến bệnh rất dễ tái phát nếu không được điều trị dự phòng.

Phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát các yếu tố nguy cơ như điều trị tích cực bệnh tăng huyết áp và rối loạn lipid máu; dùng thuốc Đông y có khả năng điều trị kiểm soát, ngăn ngừa tối đa bệnh lý phình động mạch chủ nhờ những vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp, hạ mỡ máu và tăng sức bền thành mạch máu. Điều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân dẫn đến phình mạch đã nói ở trên như: tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, tăng cholesterol, béo phì, khí phế thũng, nhiễm khuẩn, bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia...

ThS. Trần Quốc An

Theo sức khỏe đời sống

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin xem nhiều
Ngày 10/11, Đoàn kiểm tra Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại tá Lê Huy Nghĩa – UVTV ĐUQS, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng làm...
Từ ngày 02/11 đến 15/11/2024,  Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự thị xã Hương Trà tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công...
Chiều ngày 01/11/2024, tại Hội trường UBND phường Hương Văn, BCĐ VSATTP phường Hương văn phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà đã tiến hành tổ...
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.008.289
Truy cập hiện tại 78
Liên kết Website
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện Huong Tra

Chung nhan Tin Nhiem Mang