Tìm kiếm

Hưởng ứng Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2017)
Ngày cập nhật 25/05/2017

   Thiếu vi chất dinh dưỡng rất khó phát hiện và được coi là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi; trong đó trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là những đối tượng có nguy cơ cao. Thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, thể lực, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện ở trẻ em… 

   

   Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu i-ốt, thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta vẫn khá cao. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng cho biết, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu i-ốt, thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm… còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng và có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền trong cả nước.

   Nguyên nhân do chế độ ăn của người dân không đáp ứng đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng của cơ thể. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, ở một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới 16,1%. 32,8% phụ nữ có thai, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi (42,7 - 45%) và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%). Bên cạnh đó, 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm ở mức nặng…

   Thiếu vitamin A gây mù, tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ; thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, giảm khả năng lao động, học tập; thiếu i-ốt gây bệnh đần độn, trí tuệ kém phát triển, ảnh hưởng đến bào thai; thiếu folate gây dị dạng ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp; thiếu kẽm làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trợ sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em, làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.

   Tuy nhiên, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khoẻ người dân Việt Nam. Vì vậy, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020. Ngày 28/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định số 09/2016/CP, quy định 4 vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm là i-ốt, sắt, kẽm và vitamin A vào những thực phẩm như muối ăn, bột mỳ, dầu thực vật.

   Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng đã được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ như: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ cao; tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; đa dạng hóa bữa ăn… Nhờ vậy hàng năm, gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên cả nước đã được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitimin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi ở 63 tỉnh, thành phố; trẻ từ 37-60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn mỗi năm 2 lần; bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A. Đặc biệt, hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã trong toàn quốc.

   Để góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân: Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn; Bữa ăn của trẻ có những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D; Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A; Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun; Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên sắt/ axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Phan Đăng Tâm - Công Khanh - TTTTTGDSK tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin xem nhiều
Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân
Chiều ngày 10/5/2024, Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 131 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng (12/5/1893 - 12/5/2024) nhằm tôn vinh...
Năm 2024, toàn phường Hương Văn có tổng số 57 cơ sở thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý, ngày 26/4/2024, phường đã thành lập 02 đoàn liên...
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.564.206
Truy cập hiện tại 105
Liên kết Website
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện Huong Tra

Chung nhan Tin Nhiem Mang